Thứ Tư, 1 tháng 8, 2012

Dreadnouth sau 1914

Chiến tranh Thế giới thứ nhất nổ ra đã làm ngưng cuộc chạy đua vũ trang dreadnought khi ngân quỹ và nguồn lực kỹ thuật được chuyển cho những nhu cầu có ưu tiên cao. Các xưởng đúc chế tạo pháo cho thiết giáp hạm được chỉ định sản xuất pháo mặt đất cho bộ binh thay thế, và các xưởng tàu tràn ngập đơn đặt hàng những con tàu nhỏ. Các thế lực hải quân yếu hơn tham gia cuộc chiến này: Pháp, Áo-Hung, Ý và Nga, ngừng hoàn toàn chương trình đóng thiết giáp hạm của họ; trong khi Anh và Đức tiếp tục chế tạo thiết giáp hạm và tàu chiến-tuần dương nhưng với một tiến độ chậm hơn.[144]
Tại Anh, mệnh lệnh đình chỉ đóng thiết giáp hạm của chính phủ, cùng với việc Jackie Fisher quay trở lại Bộ Hải quân vào năm 1914, đã chuyển trọng tâm vào việc chế tạo tàu chiến-tuần dương. Những chiếc đang đóng dang dỡ của hai lớp thiết giáp hạm Revengelớp Queen Elizabeth được hoàn tất, nhưng hai chiếc Revenge cuối cùng được thiết kế lại thành những tàu chiến-tuần dương thuộc lớp Renown. Fisher tiếp nối những con tàu này bằng lớp Courageous càng cực đoan hơn nữa; những con tàu cực nhanh và trang bị vũ khí hạng nặng nhưng với vỏ giáp tối thiểu 76 mm (3 inch), được gọi là những “tàu tuần dương nhẹ lớn” nhằm lách tránh những quy định của Nội các đối với tàu chiến chủ lực mới. Đam mê về tốc độ của Fisher lên đến cực điểm trong đề nghị của ông cho chiếc HMS Incomparable, một tàu chiến-tuần dương khổng lồ có vỏ giáp nhẹ.[145]
Tại Đức, hai chiếc thuộc lớp Bayern trước chiến tranh được dần dần hoàn tất, nhưng hai chiếc khác đã đặt lườn vẫn chưa hoàn thành vào lúc chiến tranh kết thúc. SMS Hindenburg, vốn cũng đặt lườn trước chiến tranh, được hoàn tất vào năm 1917. Lớp tàu chiến-tuần dương Mackensen được thiết kế vào năm 1914-1915, được bắt đầu nhưng không bao giờ hoàn thành.[146]
Cho dù việc đóng thiết giáp hạm có khoảng thời gian tạm lắng trong cuộc thế chiến, giai đoạn 1919-1922 lại chứng kiến mối đe dọa của một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa Anh Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Trận Jutland đã có một ảnh hưởng lớn đối với những thiết kế được chế tạo trong giai đoạn này. Những chiếc đầu tiên xuất hiện trong bức tranh này là các tàu chiến-tuần dương lớp Admiral của Anh, được thiết kế vào năm 1916. Kết quả của trận Jutland cuối cùng đã thuyết phục được Bộ Hải quân Anh rằng những chiếc tàu chiến-tuần dương có vỏ giáp nhẹ là quá mong manh, và do đó thiết kế cuối cùng của lớp Admiral bao gồm vỏ giáp được tăng cường đáng kể, làm gia tăng trọng lượng rẽ nước lên đến 42.000 tấn. Tuy nhiên, việc khởi xướng ra cuộc chạy đua vũ trang hải quân mới chính là giữa Hải quân Nhật Bản và Hải quân Hoa Kỳ. Đạo luật Hải quân 1916 của Hoa Kỳ đã chấp thuận đóng 156 tàu chiến mới, bao gồm mười thiết giáp hạm và sáu tàu chiến-tuần dương. Lần đầu tiên trong lịch sử, Hoa Kỳ đã đe dọa ưu thế dẫn đầu toàn cầu của Anh Quốc trong lĩnh vực này.[147] Chương trình này được khởi đầu chậm chạp, một phần là bởi mong muốn học hỏi và áp dụng những bài học có được từ trận Jutland, và chưa bao giờ được đáp ứng hoàn toàn. Tuy nhiên, các tàu chiến mới của Hoa Kỳ: lớp thiết giáp hạm Colorado và lớp tàu chiến-tuần dương Lexington, đã có bước phát triển về chất lượng vượt qua các lớp Queen ElizabethAdmiral của Anh Quốc khi trang bị cỡ pháo 406 mm (16 inch).[148]
Cùng lúc đó, Hải quân Đế quốc Nhật Bản cuối cùng cũng đạt được sự phê chuẩn cho Chương trình Hạm đội 8-8 của họ. Lớp Nagato, được chấp thuận vào năm 1916, mang tám khẩu pháo 406 mm (16 inch) giống như các đối thủ Mỹ. Đạo luật ngân sách hải quân năm tiếp theo đồng ý cho đóng thêm hai thiết giáp hạm và hai tàu chiến-tuần dương. Những thiết giáp hạm này sẽ thuộc lớp Kaga mang mười pháo 406 mm (16 inch), trong khi các tàu chiến-tuần dương thuộc lớp Amagi cũng mang mười pháo 406 mm (16 inch) và được thiết kế để đạt được tốc độ 55,5 km/h (30 knot), một khả năng đánh bại cả Admiral của Anh Quốc và Lexington của Hoa Kỳ.[149]
Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn vào năm 1919 khi Tổng thống Woodrow Wilson đề nghị một chương trình bành trướng Hải quân Hoa Kỳ hơn nữa, yêu cầu ngân sách cho việc đóng thêm mười thiết giáp hạm và sáu tàu chiến-tuần dương, bổ sung vào việc hoàn tất Chương trình Chế tạo 1916, mà những chiếc thuộc lớp South Dakota (1920) vẫn chưa được đặt lườn. Để đáp trả, Nghị viện Nhật Bản cuối cùng đồng ý cho hoàn tất chương trình “Hạm đội 8-8”, bổ sung thêm bốn thiết giáp hạm.[150] Những con tàu thuộc lớp Kii này sẽ có tải trọng 43.000 tấn, trong khi thiết kế tiếp theo sau, lớp Số 13, sẽ trang bị pháo cỡ 457 mm (18 inch).[151] Nhiều người trong Hải quân Nhật vẫn chưa thỏa mãn, đòi hỏi một “Hạm đội 8-8-8” với tổng cộng 24 thiết giáp hạm và tàu chiến-tuần dương hiện đại.
Anh Quốc, bị suy kiệt bởi Thế Chiến I, đối đầu với nguy cơ bị tụt lại phía sau Mỹ và Nhật. Không có tàu chiến nào được tiếp tục sau lớp Admiral, và trong lớp này chỉ có HMS Hood được hoàn tất. Một kế hoạch do Bộ Hải quân đệ trình vào tháng 6 năm 1919 dự trù một hạm đội sau chiến tranh bao gồm 33 thiết giáp hạm và tám tàu chiến-tuần dương, có thể được đóng và duy trì ở mức chi phí 171 triệu Bảng Anh mỗi năm (tương đương với khoảng 5,83 tỉ Bảng Anh ngày hôm nay); nhưng chỉ có 84 triệu Bảng được cho phép. Bộ Hải quân sau đó yêu cầu một số lượng tuyệt đối thêm tối thiểu tám thiết giáp hạm.[152] Chúng sẽ là những tàu chiến-tuần dương thuộc lớp G3 với pháo 406 mm (16 inch) và tốc độ cao, cùng với thiết giáp hạm lớp N3 trang bị pháo 457 mm (18 inch).[153] Đức đã không tham gia vào cuộc cạnh tranh hải quân ba bên này: Hiệp ước Versailles quy định những điều kiện ngặt nghèo nhằm cản trở việc Đức tái vũ tranh, đặc biệt là trong lĩnh vực hải quân; hầu hết hạm đội dreadnought Đức đã bị đánh chìm tại Scapa Flow bởi thủy thủ đoàn của chúng vào năm 1919; số còn lại bị tịch thu như là chiến lợi phẩm.[A 10][154]
Thay vì cắt giảm từng phần chương trình chế tạo rộng rãi và tốn kém này, các cường quốc hải quân đã thỏa thuận được Hiệp ước Hải quân Washington vào năm 1922. Hiệp ước này đưa ra một danh sách các tàu chiến, bao gồm đa số các dreadnought cũ hơn và hầu hết mọi chiếc mới hơn đang được chế tạo, vốn sẽ bị tháo dỡ hoặc không sử dụng theo cách nào đó. Nó còn công bố một “kỳ nghỉ” dài hạn cho ngành đóng tàu khi không có thiết giáp hạm hay tàu chiến-tuần dương mới nào được đặt lườn trong hai mươi năm tiếp theo. Những chiếc còn sống sót sau hiệp ước, bao gồm những chiếc siêu-dreadnought hiện đại nhất của hải quân mọi nước, đã hình thành nên phần lớn của sức mạnh tàu chiến chủ lực trên thế giới trong suốt những năm 19201930, với một số được hiện đại hóa, đã tiếp tục chiến đấu trong Thế Chiến II. Những chiếc được chế tạo trong phạm vi bị giới hạn của Hiệp ước nhằm thay thế những chiếc lạc hậu được biết đến như là những thiết giáp hạm hiệp ước.[155]
Từ lúc này trở đi, thuật ngữ “dreadnought” ít còn được sử dụng rộng rãi. Đa số thiết giáp hạm tiền-dreadnought đều đã bị tháo dỡ hoặc bị đánh chìm sau Thế Chiến I,[A 11] nên từ này không còn cần thiết. Dù sao, những thiết giáp hạm trong Thế Chiến II đôi khi vẫn được gọi là những dreadnought.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét