Chế tạo những chiếc dreadnought đầu tiên
Tại Nhật Bản, hai thiết giáp hạm trong Chương trình Chế tạo 1903-1904 là những chiếc tàu toàn súng lớn đầu tiên trên thế giới được đặt lườn ngay từ đầu, với tám khẩu pháo 305 mm (12 inch). Tuy nhiên, lớp vỏ giáp của chúng bị đánh giá là quá mỏng, buộc phải thiết kế lại sau đó.[26] Những áp lực tài chính của cuộc Chiến tranh Nga-Nhật và việc thiếu hụt cung cấp các khẩu pháo 305 mm (12 inch) vốn phải được nhập khẩu từ Anh Quốc khiến cho những chiếc này lại được hoàn tất với dàn pháo chính có cỡ nòng hỗn hợp 305 mm (12 inch) và 253 mm (10 inch). Thiết kế 1903-1904 cũng giữ lại kiểu động cơ hơi nước ba buồng bành trướng truyền thống, khác với Dreadnought.[27]
Cú đột phá về dreadnought diễn ra tại Anh Quốc vào tháng 10 năm 1905. Vị Thứ trưởng Thứ nhất Hải quân mới được bổ nhiệm, Đô đốc "Jackie" Fisher, từ lâu đã là người chủ trương áp dụng kỹ thuật mới trong Hải quân Hoàng gia, và gần đây đã bị thuyết phục bởi ý tưởng thiết giáp hạm toàn súng lớn.[A 7] Fisher thường được công nhận là người sáng tạo dreadnought, và là cha đẻ của hạm đội thiết giáp hạm dreadnought hùng hậu của Anh Quốc, một dấu ấn mà ông đã có nhiều nỗ lực để củng cố. Tuy nhiên, phải nói một cách công bằng rằng mối quan tâm chính của Fisher là phát triển tàu chiến-tuần dương chứ không phải là thiết giáp hạm.[28]
Không lâu sau khi nhậm chức, Fisher thành lập Ủy ban về Thiết kế để nghiên cứu về thiết giáp hạm và tàu tuần dương bọc thép trong tương lai,[4] và nhiệm vụ đầu tiên của Ủy ban này là xem xét một thiết giáp hạm mới. Đặc tính của con tàu mới là dàn pháo chính 305 mm (12 inch) và pháo chống lại tàu phóng lôi nhưng không có các cỡ nòng trung gian, và một tốc độ 39 km/h (21 knot), chỉ nhanh hơn hai hay ba knot so với những thiết giáp hạm hiện có.[29] Các thiết kế ban đầu dự định mười hai khẩu 305 mm (12 inch), cho dù những khó khăn trong việc bố trí chúng khiến cho nhà thiết kế chính vào một lúc nào đó đã đề nghị quay lại cấu hình bốn pháo 305 mm (12 inch) và mười sáu hoặc mười tám pháo 234 mm (9,2 inch). Sau một đánh giá đầy đủ các báo cáo về những hoạt động trong trận Tsushima được biên soạn bởi một sĩ quan phái viên, Đại tá William Christopher Pakenham, Ủy ban xác quyết về dàn pháo chính gồm mười khẩu 305 mm (12 inch), cùng với 22 khẩu QF 12 pounder như là dàn pháo hạng hai.[29] Ủy ban cũng có quyết định tiên phong và táo bạo khi trang bị cho Dreadnought kiểu động lực turbine hơi nước, vốn là điều chưa từng có đối với một tàu chiến lớn. Hiệu quả to lớn của động cơ turbine khiến tốc độ thiết kế 39 km/h (21 knot) có thể đạt được trên một con tàu nhỏ hơn và rẻ hơn so với việc sử dụng động cơ chuyển động qua lại.[30] Việc chế tạo được tiến hành với một tốc độ nhanh đáng kể; Dreadnought được đặt lườn vào ngày 2 tháng 10 năm 1905, hạ thủy vào ngày 10 tháng 2 năm 1906, và nó được hoàn tất vào ngày 3 tháng 10 năm 1906, đúng một năm sau đó; một điều rất ấn tượng minh họa khả năng của nền công nghiệp Anh Quốc vào thời đó.[4]
Những chiếc dreadnought đầu tiên của Hoa Kỳ là hai chiếc thuộc lớp South Carolina. Những kế hoạch chi tiết của chúng được soạn thảo trong giai đoạn tháng 7 - tháng 11 năm 1905, và được Ủy ban Chế tạo chấp thuận vào ngày 23 tháng 11 năm 1905.[31] Tuy nhiên, việc chế tạo chúng được tiến hành chậm; những chi tiết cho các nhà thầu được công bố ngày 21 tháng 11 năm 1906, hợp đồng chế tạo được trao vào ngày 21 tháng 7 năm 1906,[32] và hai chiếc thiết giáp hạm được đặt lườn vào tháng 12 năm 1906, sau khi Dreadnought đã hoàn tất.[33
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét