[sửa] Hoa Kỳ
Lớp South Carolina của Hoa Kỳ là những tàu chiến “toàn súng lớn” đầu tiên được hoàn tất bởi một trong những đối thủ của Anh Quốc. Kế hoạch cho kiểu thiết giáp hạm mới này đã được bắt đầu trước khi Dreadnought được hạ thủy. Trong khi có những suy đoán là thiết kế của Hải quân Mỹ bị ảnh hưởng bởi những mối quan hệ không chính thức với các sĩ quan Hải quân Hoàng gia đồng tình,[98] các tàu chiến Mỹ lại rất khác biệt.Quốc hội Mỹ cho phép Hải quân đóng hai thiết giáp hạm mới, nhưng chỉ với tải trọng 16.000 tấn hay nhỏ hơn. Kết quả là lớp South Carolina được chế tạo với những tính năng nhỏ hơn nhiều so với Dreadnought. Để sử dụng tốt nhất trọng lượng dành cho vũ khí, tất cả tám khẩu pháo 305 mm (12 inch) đều được bố trí dọc theo trục giữa, trên các vị trí bắn thượng tầng trước và sau. Cách sắp xếp này cho phép một số lượng pháo bắn qua mạn tàu tương đương với Dreadnought cho dù có tổng số pháo trang bị ít hơn; và đây là giải pháp bố trí vũ khí hiệu quả nhất, là điềm báo trước cho cấu hình tiêu chuẩn trên các thế hệ thiết giáp hạm tương lai. Tiết kiệm chính về tải trọng so với Dreadnought là ở hệ thống động lực; South Carolina giữ lại kiểu động cơ hơi nước ba buồng bành trướng đặt dọc, nên chỉ đạt được tốc độ tối đa 34 km/h (18,5 knot) so với 41,6 km/h (22,5 knot) của Dreadnought.[99] Chính vì lý do này mà một số tác giả đã mô tả lớp Delaware sau này mới là những thiết giáp hạm dreadnought đầu tiên thực sự của Hoa Kỳ.[77][100] Chỉ vài năm sau khi được đưa vào hoạt động, lớp South Carolina đã không thể hoạt động trong đội hình chiến thuật chung với các dreadnought mới hơn do tốc độ chậm của chúng, và bị buộc phải hoạt động chung với các thiết giáp hạm tiền-dreadnought cũ hơn.[101][102]
Hai chiếc thuộc lớp Delaware là những thiết giáp hạm Mỹ đầu tiên bắt kịp về tốc độ so với các dreadnought Anh Quốc. Quyết định áp dụng kiểu tàu tải trọng 20.500 tấn trang bị 10 pháo thay vì 24.000 tấn và 12 pháo cho lớp tàu này bị phê phán, vì dàn pháo hạng hai bị ướt khi đi biển và mũi tàu thấp so với mực nước. Thiết kế 12 pháo thay thế cũng có nhiều bất lợi; hai khẩu pháo bổ sung và ụ pháo thấp có những “chi phí ngầm”, hai tháp pháo cánh được dự tính trang bị sẽ làm yếu đi sàn tàu bên trên, hầu như không thể được bảo vệ thỏa đáng chống lại các cuộc tấn công dưới nước, và buộc phải bố trí các hầm đạn quá gần hông lườn tàu.[77][103]
Hải quân Mỹ tiếp tục phát triển hạm đội chiến trận của họ, đặt lườn thêm hai chiếc mỗi năm trong hầu hết những năm tiếp theo cho đến năm 1920. Mỹ tiếp tục sử dụng động cơ chuyển động qua lại thay vì động cơ turbine cho đến lớp Nevada, đặt lườn vào năm 1912. Điều này một phần phản ảnh sự tiếp cận thận trọng trong chương trình chế tạo thiết giáp hạm, và một phần do sự lựa chọn ưu thế tầm xa hoạt động hơn là ưu thế tốc độ tối đa.[104]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét