[Tàu toàn súng lớn với cỡ pháo hỗn hợp
Một cách tạo ra những thiết giáp hạm mạnh mẽ hơn là loại bỏ dàn pháo hạng hai, thay thế chúng bằng các khẩu pháo hạng nặng bổ sung, tiêu biểu thường là cỡ nòng 234 mm (9,2 inch) hoặc 254 mm (10 inch). Những thiết giáp hạm này, thường được mô tả như là những “tàu toàn súng lớn với cỡ pháo hỗn hợp” hay sau này gọi là “bán-dreadnought”, bao gồm các lớp King Edward VII và Lord Nelson của Anh Quốc, Danton của Pháp và chiếc Satsuma của Nhật Bản.[12] Quá trình thiết kế những con tàu này thường bao gồm những thảo luận cho khả năng “toàn súng lớn một cỡ pháo đồng nhất”.[13]Trên tạp chí Proceedings of the US Naval Institute số tháng 6 năm 1902, chuyên gia hàng đầu về tác xạ pháo của Hải quân Mỹ là Giáo sư P. R. Alger đã đề nghị một dàn pháo chính gồm tám khẩu 305 mm (12 inch) trên những tháp pháo đôi.[14] Vào tháng 5 năm 1902, Văn phòng Chế tạo và Sửa chữa Hải quân Mỹ giới thiệu một thiết kế thiết giáp hạm với mười hai khẩu 253 mm (10 inch) cũng trên những tháp pháo đôi, hai khẩu ở mỗi hai đầu và bốn khẩu mỗi bên mạn tàu.[14] Vào tháng 12 năm 1902, Thiếu tá Hải quân H. C. Poundstone gửi một lá thư lên Tổng thống Theodore Roosevelt tranh luận về trường hợp các thiết giáp hạm lớn hơn. Đính kèm theo lá thư của mình, Poundstone đề nghị một số lượng lớn hơn pháo 279 mm (11 inch) và 229 mm (9 inch) thay cho một số lượng nhỏ pháo 305 mm (12 inch) và 229 mm (9 inch).[2] Học viện Chiến tranh Hải quân và Văn phòng Chế tạo và Sửa chữa đã phát triển những ý tưởng như vậy trong các nghiên cứu trong những năm 1903-1905. Những nghiên cứu thông qua tập trận bắt đầu từ tháng 7 năm 1903 "cho thấy một thiết giáp hạm trang bị mười hai pháo 11 hoặc 12 inch bố trí thành hình lục giác [có hiệu quả] tương đương với ba hay nhiều hơn tàu chiến kiểu thông thường."[15]
Một xu hướng tương tự cũng diễn ra trong Hải quân Hoàng gia Anh. Một thiết kế được lưu hành trong những năm 1902-1903 với “một giàn hỏa lực toàn súng lớn mạnh mẽ với hai cỡ nòng pháo, tức là bốn khẩu 305 mm (12 inch) và mười hai khẩu 234 mm (9,2 inch)."[16] Tuy nhiên, Bộ Hải quân lại quyết định chế tạo thêm ba chiếc thuộc lớp King Edward VII với cỡ pháo hỗn hợp 305 mm (12 inch), 234 mm (9,2 inch) và 152 mm (6 inch) trong chương trình chế tạo hải quân 1903-1904.[17] Quan niệm này sống lại trong chương trình 1904-1905, lớp Lord Nelson. Những giới hạn về chiều dài và mạn thuyền khiến các tháp pháo 234 mm (9,2 inch) giữa tàu chỉ là nòng đơn thay vì nòng đôi, nên có giàn hỏa lực gồm bốn khẩu 305 mm (12 inch), mười khẩu 234 mm (9,2 inch) và không có pháo 152 mm (6 inch). Người vẽ kiểu ra thiết kế này, J. H. Narbeth, đề xuất một bản vẽ thay thế trình bày một giàn hỏa lực mười hai khẩu 305 mm (12 inch), nhưng Bộ Hải quân đã không chấp nhận điều này.[18] Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến quyết định giữ lại cỡ pháo hỗn hợp là do nhu cầu nhanh chóng chế tạo những chiếc thiết giáp hạm trước tình hình căng thẳng mà Chiến tranh Nga-Nhật tạo ra.[19]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét