Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2018

Từ Tel Aviv tới Jaffa




TP - Rong ruổi quá nửa ngày bay từ Hà Nội, thế rồi bờ biển xanh ngắt dưới ánh nắng vàng rực rỡ đặc trưng của miền Địa Trung Hải cũng dần hiện ra bên cửa sổ máy bay. Đất nước Israel của người Do Thái chỉ vẻn vẹn có hơn 20 ngàn km2 với 8 triệu dân, nằm lọt thỏm giữa thế giới Ả Rập rộng lớn ngót nửa tỷ người trải dài mênh mông cả chục triệu km2.
Do Thái ký sự: Từ Tel Aviv tới Jaffa© Tiền Phong
Do Thái ký sự: Từ Tel Aviv tới Jaffa

Cú hạ cánh êm ái của chiếc Airbus A350 vào lúc 7h sáng xuống sân bay quốc tế Ben Gurion đã đưa tôi tới thành phố lớn thứ hai của Israel là Tel Aviv. Những chiếc mũ chỏm Kippah đội đầu (hay còn gọi là mũ Sợ Chúa) hiện diện khắp nơi, đó là điểm khác biệt đầu tiên khi bạn đặt chân lên đất nước của người Do Thái.

Ben Gurion không lớn nhưng lại được mệnh danh là sân bay an toàn nhất thế giới, bởi khâu kiểm tra an ninh ngặt nghèo hiếm thấy nơi đây. Bạn sẽ phải rất kiên nhẫn để xếp hàng dài chờ đến lượt làm thủ tục nhập cảnh, sau khi trả lời hàng loạt câu hỏi đại loại như đến Israel làm gì, ở khách sạn nào, ở trong bao lâu… cuối cùng tôi cũng có trong tay một tấm giấy nhỏ màu xanh nhạt cỡ 3 đầu ngón tay - giấy cho phép nhập cảnh.

Bờ biển Địa Trung Hải Tel Aviv nhìn từ đỉnh đồi thành cổ Jaffa. Ảnh: Việt Hùng© Tiền Phong
Bờ biển Địa Trung Hải Tel Aviv nhìn từ đỉnh đồi thành cổ Jaffa. Ảnh: Việt Hùng

Ở tất các nước khác mà tôi đã tới, khi nhập cảnh thường bị nhà chức trách hỏi một vài câu, còn khi xuất cảnh hiếm có khi nào bị hỏi han gì hết. Tức là vào thường dễ hơn ra. Riêng ở Israel, có một điều rất lạ: Ra khỏi đất nước này còn khó hơn cả lúc vào. Khi rời Israel, làm thủ tục ở sân bay tôi phải trải qua tổng cộng tới 4 “cửa” mới được phép xuất cảnh.

Trong những ngày trên đất Do Thái, tôi cứ đau đáu câu hỏi: Điều gì khiến dải đất nhỏ bé và khô cằn với vị trí quá đặc biệt này vẫn phát triển phồn vinh, thậm chí hàng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực, từ con người tới giáo dục, công nghệ và cả kinh tế nữa?

Cửa phân loại đầu tiên tôi qua ngon lành, nhưng đến “cửa” thứ hai khi kiểm tra hộ chiếu trên máy chả hiểu sao nhìn lên màn hình thấy dấu gạch chéo đỏ chót. Vậy là tôi phải tiến tới “cửa” thứ ba với một loạt câu hỏi lạnh lùng không mấy dễ chịu: “Tối quá anh ngủ ở đâu?”, “Bố của con gái anh tên là gì?” (câu này tôi phải tròn mắt lên hỏi lại rằng, “có phải muốn biết tên tôi là gì không?”), “Bố anh tên là gì?”, “Mẹ anh tên là gì?”… Vẫn chưa hết, sau đó họ lẳng lặng cầm hộ chiếu của tôi đi tới một phòng làm việc ở gần đó rồi đưa cho một người khác. Chẳng biết họ tiếp tục rà soát và đối chiếu những gì nữa, chỉ biết một lúc sau tôi được họ trao trả lại hộ chiếu kèm theo một tờ giấy có in dòng chữ “permitted”, tức cho phép xuất cảnh.



Tel Aviv có 400.000 dân, được mệnh danh là thành phố không ngủ với nhiều hoạt động vui chơi giải trí tấp nập về đêm. Thành phố ven biển Địa Trung Hải này, theo cảm nhận của tôi, có lối kiến trúc khá đơn điệu, xen lẫn giữa nhà cao tầng là vô số những ngôi nhà thấp tầng sơn màu trắng theo trường phái Bauhaus, vốn xuất phát từ Đức. Hóa ra Tel Aviv là một trong những thành phố tiêu biểu nhất của trường phái Bauhaus, đó là một phong cách xây dựng tối giản, không cầu kỳ và chú trọng vào công năng của mỗi căn hộ, hay gọi nôm na là khá thực dụng. Thành phố này đã từng được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 2003 với khoảng 4.000 tòa nhà có lối kiến trúc Bauhaus.

Đường phố Tel Aviv cũng hay tắc nghẽn, taxi khá đắt đỏ và nhảy số ngay cả khi dừng chờ đèn đỏ, rất xót ruột. Quãng đường từ sân bay quốc tế Ben Gurion về tới khách sạn nơi tôi ở tại trung tâm Tel Aviv có cảm giác dài lê thê vì tắc đường, xe cộ chen vai thích cánh nhích từng bước ngay cửa ngõ ra vào thành phố.

Trên thế giới, ngoài Mỹ đây là quốc gia thứ hai tôi thấy người dân đặc biệt thích treo cờ. Quốc kỳ Israel được cắm với mật độ dày đặc khắp mọi nơi trong thành phố dù chỉ là ngày thường, thậm chí tôi để ý thấy rất nhiều xe ô tô của người dân cũng có cắm một lá cờ nhỏ. Có vẻ như dân chúng Israel rất tự hào về đất nước của họ. Ngoài tiếng Do Thái Hebrew, hầu hết người dân Israel đều nói thành thạo tiếng Anh.

Thành cổ Jaffa 4.000 năm tuổi

Một góc đường phố Tel Aviv. Ảnh: Việt Hùng© Tiền Phong
Một góc đường phố Tel Aviv. Ảnh: Việt Hùng

Nếu như Tel Aviv là một thành phố trẻ, hiện đại và mang tính quốc tế hóa cao thì ngay sát nách nó lại là thành phố cảng cổ đại lâu đời nhất trên thế giới, Jaffa. Thành cổ Jaffa 4.000 năm tuổi nằm uốn lượn trên những sườn đồi, được sáp nhập vào Tel Aviv năm 1950, 2 năm sau khi nhà nước Israel thành lập. Nghe nói, từ 2.000 năm trước Công nguyên, nơi đây đã là một thương cảng tấp nập tàu bè qua lại của người Ai Cập, Babylon và Phoenix.

Hòa vào dòng khách du lịch nườm nượp từ khắp nơi trên thế giới tới Jaffa, từ tháp đồng hồ trung tâm dưới chân đồi tôi men theo những vỉa hè lát đá trên phố cổ nhỏ hẹp để leo tới đỉnh đồi Jaffa. Vừa đủ để bạn cảm thấy chồn chân mỏi gối, một không gian thoáng đãng bất tận bỗng vỡ òa trước mắt: mùi của biển xanh, mùi của nắng và gió trời lồng lộng đúng chất Địa Trung Hải phả vào mặt. Đứng từ đây ta có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh dải bờ biển cắt trắng xóa tuyệt đẹp trải dài từ Jaffa tới Tel Aviv.

Trên đỉnh đồi, những khẩu súng thần công đen trũi, những pháo đài cổ vẫn còn hiện diện, những hầm mộ từ thời Babylon, di tích chồng di tích… như một minh chứng hùng hồn cho lịch sử 4000 năm với hàng loạt cuộc chinh phạt từ thời Pharaon của các vị vua Ai Cập cổ đại tới Ba Tư, La Mã và gần đây nhất là Napoleon.

Israel nằm ở điểm giao của 3 lục địa châu Á, châu Âu và châu Phi, là một trong hai quốc gia duy nhất có đường biên giới giáp với cả biển Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương (thông qua Biển Đỏ). Chiều dài của đất nước này chỉ vẻn vẹn có 470km, và bề ngang chỗ rộng nhất cũng chỉ 135km. Israel có mật độ các địa danh khảo cổ cao nhất thế giới, gồm hơn 30.000 địa điểm khảo cổ của nền văn minh cổ đại (hơn một địa danh trên mỗi km2), với những phát hiện tiền sử có niên đại tới 1,4 triệu năm.

(Còn nữa)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét