Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2018

Vì sao cây thốt nốt hấp dẫn khách đến An Giang



Thốt nốt là một loại cây đặc trưng của tỉnh An Giang, có nhiều công dụng như làm cây phong cảnh, cây ăn quả, cây nguyên liệu sản xuất đường. Tên gọi "thốt nốt" do người địa phương đọc chệch từ tiếng Khmer là "th'not".




Thốt nốt như loài cây biểu tượng của tỉnh An Giang. Ảnh: Phong Vinh.


Thốt nốt như loài cây "biểu tượng" của tỉnh An Giang. Ảnh: Phong Vinh.



Đặc trưng trong các bức ảnh An Giang


Đi dọc miền quê An Giang không khó để bắt gặp những rặng cây thốt nốt cao lớn "làm dáng" trên những cánh đồng. Thốt nốt phân bố nhiều ở các huyện biên giới Tri Tôn, Tịnh Biên, trên đường đi rừng tràm Trà Sư. Loài cây này thường đứng đơn lẻ và mọc thành cụm nhỏ dàn hàng ngang. Các nhiếp ảnh gia thường đến đây săn ảnh cây in hình lên nền trời hoặc soi bóng xuống nước, đôi khi là cảnh người nông dân tay không cong mình trèo lên cao thu hoạch.




Những cánh rừng thốt nốt xanh mướt.


Những cánh rừng thốt nốt xanh mướt. Ảnh: Linh Sea.



Những bức ảnh chụp với cây thốt nốt được nhiều du khách coi như cách thể hiện "Tôi đã đến An Giang". Để tạo cảm giác bao la cho bức ảnh, bạn nên chọn những rặng cây thốt nốt giữa cánh đồng.


Để giải khát


Một điều thú vị ít người biết là nước thốt nốt không được lấy từ trái, mà được thu hoạch từ vòi hoa trên cây thốt nốt. Nước có vị ngọt dịu nhẹ, ăn kèm múi thốt nốt màu trắng đục, thơm dẻo, có vị béo, không cần cho thêm đường, đá vẫn tạo cảm giác mát lành. Nước có tác dụng giải nhiệt, bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất.




Nước thốt nốt.


Nước thốt nốt ngon hơn khi cho thêm đá. Ảnh: Phong Vinh.



Nước thốt nốt thu hoạch vào sáng sớm mới có vị ngọt mát, còn thu vào buổi tối hoặc để lâu bị lên men sẽ chua, được chế thành một loại rượu. Nước được bày bán nhiều ở các quán ven đường và càng nhiều ở các chợ tỉnh An Giang.


Chế biến thành các món


Nói đến đặc sản An Giang thì không thể không nhắc đến các loại chè, bánh dùng thốt nốt để chế biến có vị ngọt thanh và thơm nức mũi. Trong đó phổ biến nhất là bánh bò thốt nốt béo ngậy.




Bánh bèo thốt nốt.


Bánh bèo thốt nốt giá 15.000 đồng một bịch. Ảnh: Linh Sea.



Người ta lấy cơm (thịt, cùi) trái thốt nốt già giã nhuyễn chắt lấy nước trộn cùng bột gạo và đường thốt nốt, hấp chín có màu vàng nâu và xốp nhẹ. Bánh bò thốt nốt nổi tiếng nhất là của người Chăm vùng Tân Châu, Châu Giang.


Ngoài ra, với ba nguyên liệu là nước, đường, cơm trái thốt nốt, người địa phương còn chế biến thêm các món ăn vặt thanh mát như chè (chế thêm nước cốt dừa), bánh ngọt, bánh bông lan (dùng đường để ủ lên men bột gạo cùng nước cốt dừa), hay bột làm rau câu...



60 giây khám phá 'thủ phủ' mắm ở miền Tây






"Vương quốc mắm" ở miền Tây. Video: Phong Vinh.



Làm đường - quà mang về


Đường thốt nốt cô đặc từ nước thốt nốt vẫn giữ vị ngọt dịu, được đóng thành bánh tròn nhỏ hoặc chứa trong hũ. Người sành ăn thường chọn loại đường màu ngả vàng nâu vì vẫn giữ được vị tự nhiên, còn đường thốt nốt nếu màu trắng là đã qua tinh chế.




Đường thốt nốt. Ảnh: Linh Sea.


Đường thốt nốt có nhiều loại sau khi chế biến như đường cục, đường nước. Giá dao động từ 35.000 đồng. Ảnh: Linh Sea.



Du khách ghé An Giang hầu như ai cũng mua vài gói đường đóng gói sẵn về làm quà và dùng chế biến thực phẩm. Đường thốt nốt thích hợp để làm bánh, nấu chè hoặc làm gia vị nêm nếm trong bữa ăn. Nếu có thời gian, hãy ghé tham quan và tận tay thử làm đường tại các cơ sở sản xuất truyền thống ở Châu Đốc và Tri Tôn.


>> Xem video: Rừng tràm đẹp nhất miền Tây ở An Giang


laodong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét