Thời gian qua, Báo Người Lao Ðộng nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc bày tỏ sự lo ngại về loại hình cà phê thú cưng (chó) đang phát triển ở TP HCM. Theo bạn đọc, những quán cà phê thú cưng thường có hàng trăm khách tìm đến mỗi ngày nhưng liệu có an toàn không khi bản tính hoang dã của động vật luôn chực chờ bột phát?
Vừa uống vừa... ớn
9 giờ thứ bảy, 20-10, quán cà phê thú cưng trên đường Hoa Sữa, phường 7, quận Phú Nhuận, TP HCM đông đúc khách với gần 100 chú chó nhiều chủng loại, trong đó có cả những con thân hình to lớn. Chúng tôi vừa bước vào quán, nhân viên đã xịt vào tay dung dịch sát khuẩn để phòng ngừa bệnh cho… thú cưng.
Trong căn phòng trên lầu 1, mùi hôi nồng khó chịu khiến chúng tôi hắt hơi liên tục. Nhiều chú chó chạy lại cửa đón khách và sủa inh ỏi, nhân viên phải quát lớn thì chúng mới chịu im. Trong phòng máy lạnh, lông chó bay tứ tung khiến nhiều người rất khó chịu vì chưa quen. Vài nhân viên phải dùng tăm bông nhúng dung dịch để rửa mũi sau vài giờ quản lý thú cưng. Trong khi đó, chúng tôi quan sát có rất nhiều trẻ nhỏ được cha mẹ đưa đến đây.
Ở tầng trệt, khi chúng tôi đưa điện thoại ra định chụp ảnh thì một chú chó Husky gầm gừ chực táp vào tay, may mà nhân viên quán kịp thời can thiệp. "Nó chỉ dọa vậy thôi chứ không cắn" - một nhân viên cố giải thích. Dù chưa bị cắn nhưng chúng tôi thực sự bị một phen hoảng hốt bởi chú chó này có thân hình to lớn.
Một quán cà phê thú cưng khác trên đường Nguyễn Gia Trí, phường 25, quận Bình Thạnh, TP HCM có hơn chục chú chó Alaska nặng hơn 30 kg/con. Khi vừa bước vào quán, chúng tôi cảm thấy rợn người vì nghĩ lỡ chúng chồm lên người cũng đủ gặp họa. Do mới nhìn đã ớn nên ngồi chưa đầy 20 phút, với vài lần các chú chó tiến tới... đánh hơi, chúng tôi phải từ biệt sớm vì sợ...
Tại quán cà phê thú cưng trên đường Nguyễn Gia Trí (quận Bình Thạnh, TP HCM), đa phần các chú chó đều to lớn nhưng không được rọ mõm dù có rất nhiều khách là trẻ em. Ảnh: SỸ ÐÔNG
Ðặc điểm chung của hầu hết các quán cà phê thú cưng là chó không rọ mõm, dù to hay nhỏ. Lý giải về điều nguy hiểm này, chủ các quán cho rằng chó không có tuyến mồ hôi, nếu rọ mõm cả ngày thì chúng sẽ bị ngộp và "bị stress" do cảm thấy bức bí!
Theo ghi nhận của chúng tôi, các quán cà phê thú cưng ngày càng nở rộ ở TP HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Ðồng Nai. Tuy nhiên, nhiều vị khách dẫn con nhỏ đi cùng đã bắt đầu than phiền về việc con cái bị dị ứng mũi sau khi đến các quán cà phê thú cưng. Mặt khác, do đặc tính của chó hay "đánh dấu chủ quyền", bạ đâu tiểu đó nên quán thường có mùi hôi đặc trưng. Nếu ai đến lần đầu sẽ cảm thấy ngộp thở vì quán mở máy lạnh suốt ngày.
"Ban đầu tôi cũng muốn cho con chơi với thú cưng để cháu biết yêu thương động vật. Thế nhưng, giờ tôi bắt đầu sợ khi thấy có nhiều chú chó to lớn không được rọ mõm và nguy cơ lây bệnh từ chó trong không gian nhỏ hẹp mà nặng mùi" - chị Thanh - ngụ quận Gò Vấp, TP HCM - lo ngại.
Các chú chó ở quán cà phê thú cưng trên đường Hoa Sữa (quận Phú Nhuận, TP HCM) cũng không được rọ mõm. Ảnh: SỸ ÐÔNG
Cần quy định cụ thể
Theo ông Tạ Ngọc Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Nuôi chó giống Việt Nam, những loài chó được con người nuôi từ nhỏ nhìn chung sẽ rất hiền. Tuy nhiên, chủ quán cà phê thú cưng cũng phải tự chịu trách nhiệm đối với các vấn đề phát sinh từ việc đưa chó ra tiếp xúc với khách.
Ông Sơn cho rằng quy định hiện nay đối với việc rọ mõm chó vẫn khá chung chung, chưa chi tiết đối với từng loại chó như ở nước ngoài. Theo đó, chỉ khi nào chó ra ngoài đường thì mới bắt buộc rọ mõm.
"Tôi cho rằng quán cà phê dù là của cá nhân nhưng vẫn có tính chất công cộng bởi tiếp đón khách là những người lạ. Do đó, cần quy định rọ mõm đối với những loài chó hung dữ ở các quán này" - ông Sơn nêu quan điểm.
Luật sư Nguyễn Hải Nam, Văn phòng Luật sư Công Quyền (TP HCM), cho biết pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể việc nuôi chó, mèo tại các quán theo kiểu cà phê thú cưng. Tuy nhiên, pháp luật đã quy định người nuôi chó phải đăng ký với cấp trưởng thôn hoặc UBND cấp xã, đồng thời cam kết nuôi nhốt (hoặc xích), giữ chúng trong khuôn viên của gia đình.
Nghị định 90/2017 của Chính phủ cũng quy định khi nuôi chó buộc phải thực hiện các biện pháp tiêm phòng, xích giữ, đeo rọ mõm khi dắt ra nơi công cộng. Theo điều 7 của nghị định này, hành vi không đeo rọ mõm hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng.
"Quán cà phê phục vụ nhiều người, là nơi có nhiều người tập trung nên ở một góc độ nào đó vẫn được hiểu là nơi công cộng. Mà đã là nơi công cộng thì chó phải rọ mõm, nhất là đối với các loài to lớn" - luật sư Nam nhìn nhận.
Những vụ việc thương tâm
Ngày 19-7-2018, một bé gái 8 tháng tuổi (quận Ba Ðình, TP Hà Nội) đã bị chó ngao Tây Tạng do nhà nuôi cắn xé dẫn đến tử vong. Ngày 16-5, Bệnh viện Nhi trung ương cũng đã điều trị cho bé trai 2 tuổi (ở Ba Vì, Hà Nội) bị chó nhà nuôi cắn dập nát mặt.
Hồi tháng 1-2018, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) đã chữa trị cho một bé ở tỉnh Ðắk Lắk bị chó cắn gần như mất mũi. Một cháu bé 3 tuổi ở huyện Củ Chi, TP HCM trong lúc chờ mẹ chở đi học, cầm cây đùa giỡn với chó thì bất ngờ bị nó cắn vào mặt với 19 vết rách...
Các chuyên gia huấn luyện chó khuyến cáo bản tính loài chó vốn hoang dã nên dù được thuần dưỡng, chúng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tấn công người khi cảm thấy không an toàn. Do đó, đối với loại chó lớn, người lạ không nên tiếp cận quá gần, đặc biệt là không được nắm đuôi, giật tai hay căng hàm khiến chúng cắn trở lại.
SỸ ÐÔNG - TRƯỜNG HOÀNG
laodong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét